Không thể không lãng mạn khi ở Tuscany

(Viết cho bạn tôi và những người yêu nước Ý)
Nước Ý đón tôi lần đầu tiên, năm 1999, bằng cơn mưa sũng nước, chiếc máy bay cũ kỹ của AirItalia ngóc lên, dằn xuống như thể tôi đang lướt qua những con đường liên xã phần tây bắc của xứ An Nam. Anh tiếp viên người Ý cao dễ đến mét tám miệng luôn nhắc mọi người thắt dây an toàn nhưng vẫn không quên nở một nụ cười tươi rói như muốn xua đi cái u ám của cơn mưa.
Tôi có cô bạn thân đã mười mấy năm giờ mới trở thành bạn trên FB, tôi hay gọi bạn bằng "mợ" và xưng "con", đôi lúc hứng chí tôi bảo mợ phải đi Ý mới biết thế nào là lãng mạn, vậy mà bạn muốn một mình dấn thân vào cuộc phiêu lưu tới miền đất Địa Trung Hải thật. Một ngày đầu tháng tư năm nay bạn gọi, tớ sẽ đi Ý theo lời khuyên của cậu vào ngày hai mươi ba này đấy, oh con tán thành, rất tuyệt. Cô bạn vẫn thao thao bất tuyệt, nhưng cậu phải xin visa cho tớ vì chỉ còn có hai tuần nữa là tớ bay, oh điều này thì còn tuyệt hơn nữa. Vậy mà bạn mình vẫn kịp có visa để lên đường, cảm ơn Chúa.
Rồi Malpenza cũng hiện ra dưới cánh máy bay, chúng tôi di chuyển vào nhà ga bằng xe buýt, không một cảm giác gì đặc biệt cho tới khi gặp cậu hải quan Ý, một gã béo, lùn với ánh mắt lươn, mày đến Ý lần đầu? Phải! mày có gì trong hành lý không? Không có gì! Mở ra tao kiểm tra! Ok. Và thế là ụp, cả vali hành lý của mình bị đổ ra bàn tung toé, rơi vãi, mình chả buồn nhặt, xin mời kiểm tra. Sau một hồi không tìm được gì bạn hải quan quay ra hỏi, mày sang Ý làm chi, tao là đại diện Piaggio sang đây họp, thái độ bạn quay ngay trăm tám mươi độ, nhanh nhẹn chạy tới thu gọn đống tư trang của mình tống lại vào vali, đóng lại. Xin chào mừng đến với nước Ý. Thì ra là vậy, Piaggio ở đây là niềm tự hào của họ.
Bên kia đầu dây giọng cô bạn vắt vẻo, tớ sẽ phải đi đâu, làm gì khi đến Ý? Nếu mợ muốn khám phá các chàng trai Ý, mợ sẽ mất cả đời, còn mợ muốn khám phá những cái khác thì mất ít thời gian hơn. Ừ thì gác huyện cả đời sang một bên đi, tớ có thể làm gì nữa? Nếu mợ đi theo tour thì vứt, hãy tự mình đến khám phá cuộc sống, con người, kiến trúc, văn hoá và thiên nhiên. Điểm đến nên là Tuscany.
Dựa mình vào mé cửa của khách sạn Bonciani trên đường Panzani của Firenze sau một hành trình dài bằng xe hơi từ Milan, tôi thả mắt theo những bóng người ngược xuôi trên đường trong ánh nắng màu mật ong dưới vòm trời xanh thẳm. Ở vùng Tuscany này chả có gì đáng để vội vã, ngay cả giờ đi làm. Rất nhiều người dùng xe đạp như phương tiện giao thông chính, các ông bố, bà mẹ đi xe đạp đèo con phía sau đưa đến trường trước giờ đến công sở. Vượt ngang qua mặt tôi là một bà mẹ vừa đi vừa dặn con những điều mà vốn tiếng Ý nghèo nàn không giúp tôi hiểu nổi nội dung, một cặp doanh nhân điển trai trong trang phục vest, cà vạt chỉnh tề, cặp da, kính cận, râu quai nón, một cô gái tóc búi ngược mang váy liền duyên dáng vừa bước xuống xe buýt từ bến xe đầu phố. Khách sạn Bonciani nơi tôi ở được cải tạo từ một toà nhà cũ chắc của một quí tộc nào đó, các hành lang đều được vẽ và trang điểm cầu kỳ. Cô bé lễ tân của khách sạn thật đáng mến, chủ đề của chúng tôi chuyển từ ẩm thực sang kiến trúc rồi thời trang lúc nào không hay, cô hẹn hôm nay là ngày nghỉ sẽ dẫn tôi đi thăm thành phố.
Mười một giờ trưa, nắng rực rỡ xiên chéo mang hình các nóc nhà in xuống mặt phố. Panzani là con phố nối liền ga tàu hoả và quảng trường Duomo nổi tiếng ở Firenze, các cửa hiệu thời trang san sát nhau bắt đầu mở cửa, các thương hiệu thời trang ở đây phần lớn là thương hiệu gia đình truyền qua nhiều thế hệ. Tôi và cô bé lễ tân tạt vào một hiệu giày, cô bảo hiệu này đã ba thế hệ, giày đẹp mà giá phải chăng. Tôi chọn một đôi màu da bò giá 65 euro rồi chúng tôi lững thững xuôi về phía quảng trường Duomo, ghé qua Andrews Ties nơi sau này tôi không bao giờ bỏ lỡ mỗi khi qua Ý. Chúng tôi vào một cửa hiệu áo sơmi, tiếp chúng tôi là một người đàn ông với cặp kính cận dày cộp, cỡ ngoài sáu mươi nhưng rất phong độ, áo sơmi xắn tay kẻ xanh oliu, quần tây, tay cầm thước dây. Cô lễ tân, với một ánh cười nơi khoé mắt, bảo tôi cũng tầm thước kiểu đàn ông Ý nên mặc sơmi Ý sẽ rất hợp. Signor, mời đứng lên trên bục, bác chủ tiệm hoàn tất việc lấy số đo của tôi trong nháy mắt, tôi chọn loại vải, màu sắc và kiểu áo trong cả dãy gần trăm chiếc sản phẩm thô cỡ 46 mà bác chủ tiệm giới thiệu, bốn giờ chiều thì áo của signor sẽ hoàn tất.
Cô bạn thân nhí nhéo bên điện thoại, tớ phải chuẩn bị những gì trước khi đi đây? Một ít tiền lộ phí và một tinh thần để đón nhận những điều ngạc nhiên, vậy thôi.
Chúng tôi dừng chân bên quảng trường Duomo, chắc chắn là bữa trưa bên quảng trường là một điều lãng mạn mà ta nên làm? Tôi hỏi, chắc chắn là vậy nếu anh muốn trả thêm 10 euro ngoài bill chi phí mỗi chỗ ngồi! Cô lễ tân trả lời có chút châm biếm. À ra vậy, mỗi thứ đều có cái giá của nó. Liền đó cô lôi tôi qua con phố nhỏ ngay sát quảng trường, qua cánh cổng gỗ cũ kỹ, rẽ vào một khoảng sân rộng trong lòng một toà nhà cổ. Chúng tôi ăn trưa trong một quán ăn đẹp không kém, tôi gọi một suất cơm Ý risotto với hải sản cùng một ly vang trắng, cô chỉ dùng một đĩa salat rau. Khi hương vị ngọt lịm của cơm, hải sản tươi, sốt kem còn chưa bị hương nho trong ly vang đánh tan trên đầu lưỡi, chúng tôi đã mải miết đứng lên để tiếp tục khám phá. Thả bước về hướng sông Arno và Palazzo Vecchio, chúng tôi hướng về phía tượng David của Michelangelo. Những ban nhạc đường phố, cửa hiệu thời trang, những xe đẩy bán thức ăn, khung cảnh kiến trúc, ánh nắng chiều và chim bồ câu, sẽ không có nơi nào lãng mạn hơn thế. Chúng tôi dừng chân bên quảng trường Piazza Della Signoria đắm chìm vào âm nhạc của một nhóm nhạc dây và đàn hạp, một hộp đàn được mở ra để mọi người bỏ tiền lẻ vô, một giá đựng CD các bản thu âm của nhóm bán với giá 12 euro một chiếc, họ thu âm đến tận 5 vol., tôi chọn lấy ba cái CD với những bản nhạc mình yêu thích và ngồi nán lại qua bản Love is blue, Those were the days với một cây kem 4 euro trên tay. Cô lễ tân bảo tôi chỉ nên lấy cây 2 euro nhưng vì tham lam nên tôi đang run lên vì lạnh. Phía đối diện, các nhạc công vẫn mải miết với âm nhạc mà không hề để ý đến mọi sự xung quanh.

Một lễ hội truyền thống ở Volterra, với những người mặc trang phục thế kỉ thứ 14 đang tiến ra quảng trường chính của thành phố

Hoá ra cô bạn tôi không phải đi một mình khi đến nơi, một anh chàng điển trai đã tự nguyện làm hướng dẫn viên cho cô trong suốt thời gian cô ở Florence. Họ cùng ngắm hoàng hôn trên cầu Ponte Vecchio, cùng đạp xe, cùng hiking. Bạn bảo tớ rời đi mà chả kịp tạm biệt mà còn chưa nhớ tên chàng, tôi thì chả tin, sự lãng mạn luôn có ở đây còn lại thì chỉ có Chúa mới biết họ đã làm gì.
Ngày hôm sau, gửi lại một nụ cười và một chiếc khăn lụa đượm chất phương đông, tôi tạm biệt cô lễ tân để rời xuống nhà một người bạn ở một ngôi làng cách Firenze khá xa. Chúng tôi lười nhác nằm ườn trên ghế bố dưới vòm cây, lơ đãng nhìn ra phía cánh đồng, nắng vàng đốm dày, đốm mỏng nhảy nhót xung quanh theo nhịp gió. Những cánh đồng xứ Tuscany là nơi tôi nhớ nhất mỗi lần tôi qua Ý sau này, những bánh rơm, rạ tròn xoe, to dễ đến chục người ôm được máy gặt bện chặt và để lại rải rác trên cánh đồng như những chiếc cối xay khổng lồ. Mẹ cậu bạn đang chuẩn bị bữa chiều trong nhà, mùi ravioli home-made lan toả trong chiều tĩnh lặng. Pasta là một thứ nghệ thuật, làm mỳ ravioli còn cần thêm sự kiên nhẫn và khéo léo trong thứ nghệ thuật ấy, những chiếc gối mỳ nhỏ xíu căng phồng với nhân, ăn kèm với cà chua bi trộn dầu oliu vừa thanh vừa ngậy. Bữa chiều náo nhiệt với bọn trẻ con, thanh niên và các bác, các chú họ hàng bạn tôi. Cậu bạn sống và làm việc tại Genoa, chắc ít dịp về nhà nên không khí rất vui vẻ khi mọi người được gặp cậu. Xong bữa, tôi và cậu bạn trèo lên chiếc Piaggio ba bánh, nhà vốn dùng để chở đồ làm vườn, lượn xuống dưới làng. Trời bắt đầu xẩm, một bên là làng, bên kia là cánh đồng, phía xa là rừng, một sự chộn rộn chạy dọc theo sống lưng tôi khi nhớ về làng quê của mình. Chúng tôi đi một hồi và dừng lại bên rìa một vạt rừng, tôi hỏi bạn đây là đâu? Tao cũng chả biết nữa, cậu bạn trả lời. Trời bắt đầu lạnh, chúng tôi quay lại trên con đường hú hoạ, cậu bạn nói cứ ra tới đường lớn là tao biết phải đi hướng nào. Thế là lại thêm thời gian cho những chuyện trên giời, dưới bể.

Những bưu thiếp trên một bức tường ở Volterra, mảnh đất được nhắc đến trong bộ phim Twilight

Cô bạn tôi lạc đường, một mình với chiếc Vespa giữa chốn đồng không. Xe sắp hết xăng, điện thoại sắp hết pin, chỉ thấy cừu và chó sủa, may thay đi một quãng thì gặp một anh nông dân biết vài từ tiếng Anh. Sau một màn giao lưu nhiệt tình bằng tay, anh ấy quyết định chạy bộ để chỉ cho cô bạn lối về trang trại bạn đang ở, cuối cùng thì cũng về tới nơi. Hú hồn.
Thú thật tôi là gã nông dân thứ thiệt, nghĩa là chỉ thích chỗ hiện đại, đô thị và không thể thiếu thời trang, chán vậy đấy, thế nên trưa hôm sau tạm biệt cậu bạn, tôi ra ga xép bắt tàu hoả lên Pisa. Luống cuống thế nào tôi tí nữa thì nhảy lên tàu đi Empoli thay vì đi Pisa, may mà tôi hỏi một cô bé trước khi nhảy lên chuyến tàu nọ. Cô nói cô cũng đi Pisa, tôi có thể chờ và đi cùng cô. Cô là sinh viên nghành hội hoạ, lên Pisa để khảo sát cho đề tài của mình. Chuyến tàu chợ dừng lại ở tất cả các ga lớn, nhỏ, nó cũng chẳng buồn tăng tốc mỗi khi ra khỏi ga, cứ thủng thẳng như cư dân ở đây vậy, mọi người xem ra cũng chả ai bận tâm đến điều đó, câu chuyện rôm rả khắp toa tàu. Chúng tôi đến Pisa giữa giờ chiều, tôi tạm biệt cô sinh viên tìm đường về khách sạn.
Cô bạn tôi đã trở về. Cô khoe với tôi các bức ảnh cô chụp được, từ Firenze đến Siena. Mỗi bức ảnh đều không thấy ranh giới, một sự đẹp đẽ không rõ ràng, một sự cảm nhận rất mơ hồ nhưng rất thực, một cái nhìn khác, một cái nhìn không có trên google. Khi tôi chỉ nhìn về ẩm thực, kiến trúc và thời trang thì cô nhìn vào hoa cỏ. Nhưng với tôi bộ ảnh mợ tôi chụp đẹp đến nao lòng.
Một cây thông cô đơn đứng giữa cánh đồng ở Val d'Orcia

Những bậc thang gạch đã mòn dẫn chúng tôi xuống tầng hầm sâu hun hút dưới chân một ngôi nhà cổ của thị trấn Ponterdera, một thị trấn nằm giữa Pisa và Firenze. Nơi đây là quán ăn nổi tiếng của không chỉ thị trấn nhỏ này mà của cả vùng lân cận bởi món thịt bò ngon nổi tiếng và rượu vang của nó. Đến Tuscany mà không ăn thịt bò thì quả là khiếm khuyết. Trên bản đồ của Firenze thậm chí còn có hàng tá hình con bò nhỏ xíu, đại diện cho rất nhiều quán ăn thịt bò nổi tiếng ở đó. Đi qua vài khoang hầm, tôi và cô sinh viên hội hoạ định vị trong một góc thật ấm cúng, một xuất T-bone 500gr, một ly rượu vang đỏ 1/2 lít đựng trong cốc to úp hết cả khuôn mặt, buổi tối tưng bừng bắt đầu như thế và kết thúc trong quán bar nơi các câu chuyện có thể kéo dài tới sáng.
Tôi dừng lại bên một khuôn ảnh nơi cửa sổ mở ra sân tháp Pisa của cô bạn, mợ thấy chuyế đi sao? Không phí thời gian chứ? Tớ tiếc rằng đến giờ tớ mới nhấc mông lên và đến đó! Ôi cuộc sống!
Cuộc sống ở đây cứ dông dài như thế, cứ chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác, chuyển từ người này sang người khác và từ làng này sang thị trấn kia, thành phố nọ, còn cái lãng mạn của cuộc sống, văn hoá, con người và tình yêu thì không có giới hạn, ẩn vào bên trong, giản dị mà ấm áp. Trái tim của chúng tôi đã ở lại mảnh đất ấy, mảnh đất của tình yêu.
Hẹn gặp lại Tuscany ! 
- Phạm Vũ Tùng - 
ảnh : Nhà báo Trương Anh Ngọc 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC MARKETING

REVIEW 2016

TÔI LÀ AI ?